Các chính đảng Chính_trị_Hoa_Kỳ

Số lượng cử tri đăng ký theo chính đảng năm 2004 (Dân chủ: 72 triệu, Cộng hòa: 55 triệu, cử tri độc lập: 42 triệu.[1]

Nhiều người trong số các nhà lập quốc không thích nghĩ đến các đảng phái chính trị, cho rằng các phe nhóm sẽ quan tâm đến việc tranh giành quyền lợi hơn là vì lợi ích quốc gia. Họ muốn cử tri bầu phiếu cho các ứng viên độc lập mà không cần có sự can thiệp của các nhóm có tổ chức – nhưng điều này đã không xảy ra.

Trong thập niên 1790, bùng nổ các quan điểm khác nhau về một lộ trình đúng cho tiến trình xây dựng đất nước còn non trẻ này. Những người ủng hộ Alexander Hamilton, liên kết với nhau dưới tên "Phái Liên bang", chọn mô hình chính quyền trung ương tập trung nhiều quyền lực nhằm hỗ trợ những lợi ích của giới công thương. Những người khác theo Thomas Jefferson, chống cánh Liên bang, chọn cho mình tên "Cộng hoà-Dân chủ", chủ trương một nước cộng hoà nông nghiệp phân quyền, theo đó chính quyền liên bang chỉ có quyền lực hạn chế. Khoảng năm 1828, cánh "Liên bang" biến mất, được thay thế bởi Đảng Whig, trở nên thành phần đối lập với Tổng thống Andrew Jackson trong cuộc bầu cử tổ chức trong năm. Việc Jackson đắc cử gây chia rẽ trong đảng Cộng hoà-Dân chủ: những người ủng hộ Jackson thành lập Đảng Dân chủ trong khi những người theo John Quincy Adams thành lập Đảng Cộng hoà Quốc gia. Hệ thống lưỡng đảng, tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay, đã được hình thành vào lúc này. Như thế Hoa Kỳ, như một ngoại lệ, đã có những đảng chính trị lâu đời.

Trong thập niên 1850, vấn đề nô lệ trở nên điểm nóng trên chính trường Mỹ, với những bất đồng về việc liệu có nên cho phép chế độ nô lệ tồn tại trên nhưng lãnh thổ tân lập ở miền Tây hay không. Đảng Whig vì không thể thống nhất lập trường nên cuối cùng bị khai tử và được thay thế bởi Đảng Cộng hoà trong năm 1854, đảng này chủ trương hoàn toàn loại bỏ chế độ nô lệ. Chỉ trong vòng sáu năm, đảng chính trị tân lập này giành được ghế tổng thống khi Abraham Lincoln đắc thắng trong cuộc tuyển cử năm 1860. Đến lúc ấy, các chính đảng đã thiết lập cho mình vị trí chủ đạo trong nền chính trị của đất nước, và sự trung thành với một đảng chính trị đã trở nên một phần quan trọng trong ý thức chính trị của ngườI dân. Lòng trung thành này được truyền từ cha sang con, và các hoạt động đảng phái như tham gia các cuộc vận động bầu cử, thường kết thúc với các cuộc diễu hành của các nhóm mặc đồng phục và các buổi rước đuốc, là một phần trong cuộc sống xã hội tại nhiều cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, đến thập niên 1920, những tập quán dân dã này đã tàn lụi dần. Những cải cách đô thị, dịch vụ công, những vụ tham ô, và những cuộc bầu cử sơ bộ đã thay thế quyền lực của các chính trị gia tại các đại hội toàn quốc đã giúp tẩy sạch nền chính trị - và khiến nó bớt sôi động hơn.

Làm sao mà hệ thống lưỡng đảng phát triển trên đất nước Mỹ? Lâu rồi trong lịch sử, nước Mỹ đã từng có nhiều chính đảng nhỏ, cũng từng có đảng thứ ba, một số có được sự ủng hộ đáng kể như Đảng Xã hội, Đảng Lao động Nông gia và Đảng Đại chúng, dù không thu được kết quả khả quan nào từ các cử tri đoàn.

Lăng kính chính trị của hai đảng chính

Biểu trưng của Đảng Dân chủ

Trong hạ bán thế kỷ 20, triết lý chính trị của cả đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ đã thay đổi triệt để. Từ thập niên 1860 đến thập niên 1950, đảng Cộng hoà được xem là có khuynh hướng tự do hơn, trong khi đảng Dân chủ được cho là có chủ trương bảo thủ.

Nhưng hình ảnh này đã thay đổi kể từ nhiệm kỳ tổng thống của Franklin D. Roosevelt, chính sách New Deal của ông với sự hình thành hệ thống An sinh Xã hội cũng như các dự án dịch vụ và việc làm khác của chính quyền liên bang đã giúp hồi sinh đất nước tiếp theo sau những thiệt hại gây ra bởi cuộc Đại Suy thoái năm 1929. Những thành công của Roosevelt khi đối phó với hai cuộc khủng hoảng xảy ra cùng một lúc, Đại Suy thoái vàChiến tranh thế giới thứ hai, đã dẫn đến hiện tượng phân cực trong chính trường nước Mỹ, xoay quanh cá nhân tổng thống; điều này kết hợp khuynh hướng tự do đang gia tăng ảnh hưởng của tổng thống khiến đảng Dân chủ càng ngả về phía tả, trong khi đảng Cộng hoà càng trở nên hữu khuynh.

Suốt thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, cả hai đảng đều bày tỏ lập trường trung dung và để các nhóm bảo thủ, ôn hoà và tự do tạo lập ảnh hưởng đồng đều trong đảng.

Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1964, cánh bảo thủ chiếm ưu thế trong đảng Cộng hoà, trong khi cánh tự do kiểm soát đảng Dân chủ. Tiến trình này xảy ra cùng lúc với việc nhiều đảng viên Dân chủ chuyển sang đảng Cộng hoà vì chống đối Đạo luật Dân quyền năm 1964, hiện tượng này giúp đẩy mạnh Chiến lược miền Nam của Richard M. Nixon trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1968.

Sau đó, cánh tự do và cánh bảo thủ trong đảng Dân chủ cạnh tranh với nhau cho đến năm 1972 khi việc đề cử George McGovern đóng dấu chiến thắng cho cánh tự do. Tình trạng tương tự xảy ra bên trong đảng Cộng hoà cho đến khi Ronald Reagan nhận được sự đề cử rồi chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1980, chứng minh ưu thế của cánh bảo thủ.

Những hàn gắn chính trị hoàn tất sau cuộc bầu cử năm 1980 giúp củng cố sự đồng thuận trong mỗi đảng.

Những người có khuynh hướng tự do bên trong Đảng Cộng hoà và những người bảo thủ bên trong Đảng Dân chủ cùng những người tân tự do có tên trong Hội đồng Lãnh đạo Dân chủ thủ giữ vai trò biểu trưng cho giới đảng viên có tư tưởng độc lập, chủ trương trung tả, hoặc tìm cách hoà giải giữa hai chính đảng. Họ giúp chiếm được những vị trí dân cử trong những khu vực trước đây đảng của họ khó tìm được chiến thắng; Đảng Cộng hoà ứng dụng đối sách này với những đảng viên có khuynh hướng tự do như Rudy Giuliani, George Pataki, Richard RiordanArnold Schwarzenegger.

Cơ cấu tổ chức của các chính đảng

Không giống các quốc gia khác, cơ cấu tổ chức của các đảng chính trị tại Mỹ rất lỏng lẻo. Đối với hai đảng chính, không có thiết chế nào ở cấp quốc gia có chức năng kiểm soát số đảng viên, các hoạt động của đảng, hoặc quan điểm chính trị, mặc dù ở cấp tiểu bang có một số cơ quan đảm nhiệm công việc này. Như vậy, khi một người Mỹ nói rằng anh ta là đảng viên Dân chủ hay Cộng hoà, điều này có ý nghĩa khác với việc một người Anh tự nhận mình thuộc đảng Lao động hoặc Bảo thủ. Tại các tiểu bang, một cử tri có thể đăng ký là thành viên đảng này hay đảng kia, hoặc bầu cho đảng này hay đảng kia trong cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng sự tham gia ấy không hề hạn chế sự chọn lựa của người ấy; cũng không dành cho người ấy bất cứ đặc quyền hoặc nghĩa vụ nào liên quan đến đảng phái. Hôm nay người ấy có thể chọn đến dự một buổi hội họp của uỷ ban địa phương của một đảng, ngày mai lại đến dự họp tại một đảng khác.

Sự tham gia đảng phái được quan tâm đến khi một người muốn tranh một chức vụ được đảng giới thiệu. Tại hầu hết các tiểu bang, điều này có nghĩa là khi tuyên bố tranh sự đề cử của một đảng để tham gia cuộc bầu cử sơ bộ cho một chức vụ dân cử. Một uỷ ban của đảng sẽ chọn và ủng hộ một trong số những người tranh sự đề cử, nhưng cuối cùng thì sự chọn lựa phụ thuộc vào các cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ, thường thì không dễ xác định thành phần cử tri chịu đi đến phòng phiếu.

Đo đó, các chính đảng ở Mỹ chấp nhận một cơ cấu yếu ở trung ương cũng như thường tập trung vào các nỗ lực xây dựng sự đồng thuận hơn là quan tâm đến các vấn đề ý thức hệ. Các chính đảng không có quyền ngăn cản một người gia nhập đảng khi người ấy bất đồng với quan điểm đa số trong đảng, hoặc hoạt động tích cực chống lại các mục tiêu của đảng, miễn là cử tri chọn người ấy trong các cuộc bầu cử sơ bộ.

Ở cấp liên bang, cả hai đảng chính đều có uỷ ban quốc gia (Xem Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủUỷ ban Quốc gia Đảng Cộng hoà) với chức năng chính là gây quỹ và điều hành các chiến dịch tranh cử, đặc biệt trong các cuộc bầu cử tổng thống. Có khác biệt đôi chút trong thành phần uỷ ban của mỗi đảng, nhưng chủ yếu vẫn là đại biểu của các đảng bộ tiểu bang, các tổ chức hữu quan, cùng các nhân vật quan trọng trong mỗi đảng. Tuy nhiên, uỷ ban quốc gia không có quyền chỉ đạo các hoạt động của đảng viên.

Dù mỗi đảng đều có chủ tịch, chức danh này không được xem là "lãnh tụ" đảng, trong thực tế không dễ gì xác định vị trí lãnh đạo trong các đảng chính trị tại Hoa Kỳ. Lãnh tụ đảng thường khi là người có khả năng thuyết phục các đảng viên đi theo sự dẫn dắt của mình. Các nhà lãnh đạo trong thực tế của đảng thường là những đảng viên đang nắm giữ những vị trí cao trong chính quyền như tổng thống hoặc lãnh đạo phe đa số ở Viện Dân biểu hoặc ở Thượng viện. Tuy nhiên, vị trí lãnh đạo ấy chỉ có giá trị khi người này có được sự ủng hộ của các đảng viên. Chính thức thì tổng thống đương nhiệm được xem là người đứng đầu đảng của mình, cũng là người chọn chủ tịch uỷ ban quốc gia. Tương tự, ứng cử viên tổng thống của đảng đối lập trong năm bầu cử cũng được xem là nhà lãnh đạo đảng.

Cả hai đảng đều thành lập cho mình uỷ ban vận động, điều hành tiến trình bầu chọn ứng cử viên tại các cấp khác nhau. Quan trọng nhất là Uỷ ban Đồi Capitol (Hill Committee), tuyển chọn ứng viên cho Quốc hội.